Người dân Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, TP HCM… đổ về các quảng trường trung tâm đón xem chương trình trình diễn nghệ thuật và bắn pháo hoa lúc giao thừa.
-
Người dân đổ về sông Sài Gòn chờ xem pháo hoa giao thừa
Đường hoa Nguyễn Huệ đóng cửa, người dân tiếc nuối
Khoảng 21h30, đường hoa Nguyễn Huệ (quận 1) bắt đầu đóng cửa. Bảo vệ liên tục nhắc nhở người dân ra ngoài. Nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối khi đường hoa đóng cửa sớm.
Nhiều người ở nhà xem Táo quân
Đêm giao thừa rét ngọt, nhiệt độ xuống 10 độ C, nhiều người dân không đi chơi mà ở nhà xem Gặp nhau cuối năm – chương trình ưa thích của các gia đình Việt. Bà Nguyễn Thị Kim Tuấn (Thanh Hóa) thích thú khi các Táo trên “Thiên đình” bàn luận về sáp nhập, tinh giản biên chế, tăng mức phạt giao thông, sự nở rộ của trò chơi pickleball, đội tuyển bóng đá Việt Nam vô địch ASEAN Cup 2024… những vấn đề thời sự, giải trí, thể thao được dư luận quan tâm. Trong khi đó, con cháu mỗi người một việc, chuẩn bị vài món ăn đêm chờ tới 0h hoặc chuẩn bị đốt pháo hoa…
Nhìn lại năm Giáp Thìn, bà Tuấn nói đất nước đã trải qua nhiều sự kiện trọng đại, đương đầu với thiên tai khắc nghiệt, có đau thương “nhưng điều quan trọng là chúng ta đã và đang vượt qua”. Cụ bà 75 tuổi mong một chữ “An” trong mùa xuân mới cho đất nước và mọi nhà. Riêng bà mong năm mới nhiều sức khỏe để con cháu yên tâm làm ăn.
Tổng Bí thư chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô
Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ trước khi đến Thành ủy Hà Nội, ông đã đi thăm, kiểm tra tình hình công tác tổ chức cho nhân dân vui xuân, đón Tết Ất Tỵ 2025 trên địa bàn. “Cảm nhận chung của tôi là Hà Nội rất đẹp, bình yên, nhân dân và cả khách du lịch nước ngoài đều rất hân hoan, phấn khởi đón chờ thời khắc giao thừa thiêng liêng, báo hiệu cho một năm mới với những thắng lợi mới”, ông nói.
Theo Tổng Bí thư, năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng với nhiều sự kiện chính trị trọng đại như kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, 50 năm Ngày thống nhất đất nước, năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp và chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 14 của Đảng. Thủ đô là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, là bộ mặt quốc gia có vai trò, vị trí rất quan trọng, có trách nhiệm rất nặng nề. Những gì mới nhất, tiến bộ nhất sẽ triển khai đầu tiên cho Hà Nội.
Tổng Bí thư mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô phát huy kết quả đã đạt được, nêu cao tinh thần gương mẫu, tiếp tục đi đầu, dẫn dắt cả nước trong thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ của Trung ương, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. “Chúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đón xuân mới Ất Tỵ vui tươi, hạnh phúc, chúc mừng năm mới nhiều thắng lợi mới”, ông nói.
Người dân chụp ảnh trước tượng đài Lý Thái Tổ bên Hồ Gươm
Hà Nội càng về khuya càng rét, nhiều người vẫn diện áo dài ra Hồ Gươm ngắm cảnh, chụp ảnh bên tượng đài vua Lý Thái Tổ, người đã dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La năm 1010 và đổi tên thành Thăng Long, mở đầu cho sự phát triển lâu dài của nhà Lý (216 năm).
Người dân Cà Mau đón xem pháo hoa ở 3 điểm
Tại TP Cà Mau thời tiết mát mẻ, dòng người di chuyển chật kín đường Trần Hưng Đạo để đổ về quảng trường đường Thanh Niên đón xem Chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa.
Anh Trần Trọng Tín (đeo kính) cùng nhóm bạn đã đến quảng trường từ sớm để giành chỗ xem bắn pháo hoa. “Năm rồi là một năm nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng ta đã vượt qua. Tôi hy vọng năm mới mọi điều suôn sẻ, tỉnh nhà càng phát triển bền vững”, anh Tín nói.
Ngoài điểm bắn pháo hoa ở TP Cà Mau, tỉnh cực Nam tổ quốc còn 2 điểm bắn nữa ở huyện U Minh và Ngọc Hiển.
Người nước ngoài hòa mình vào không khí Tết Việt
Hòa mình vào không khí đón Tết ở trước Nhà hát thành phố, ông Michael OBrien, chuyên gia đóng tàu đang công tác ở Hải Phòng, nói: “Tôi sinh ra ở Australia, tôi đã sống ở Hải Phòng được hai năm rồi. Tết là lễ hội lớn của năm. Thật nhiều hoạt động thú vị và nó làm cho tôi thật sự hạnh phúc”.
Người Nha Trang tập trung ở quảng trường đón giao thừa
Thời tiết Nha Trang (Khánh Hòa) se lạnh, lượng người từ các tuyến đường trung tâm thành phố như Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Thánh Tôn đổ về Quảng trường 2 Tháng 4 để vui chơi, thưởng thức các chương trình văn nghệ chào Xuân do địa phương tổ chức và chuẩn bị xem bắn pháo hoa.
Anh Đặng Tuấn, trú TP Nha Trang, cho biết không khí Tết năm nay sôi động hơn năm trước. Đêm nay, anh cùng gia đình sẽ đi ăn uống tại nhà hàng hải sản ở đường Trần Phú rồi cùng gia đình dạo đường hoa xuân cho đến lúc giao thừa.
“Năm vừa qua có một chút khó khăn nhưng gia đình tôi cũng vượt qua. Hy vọng một năm mới 2025 sẽ có thật nhiều may mắn và công việc đạt nhiều thành công “, anh Tuấn nói
Làng Nủ đêm giao thừa
Không khí đón giao thừa Ất Tỵ ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai, bốn tháng sau thảm họa lũ quét trầm lắng hơn, không có pháo hoa, văn nghệ như những đêm cuối năm trước. Chị Hoàng Thị Cảnh sắp mâm cúng có gà luộc với hũ rượu đặt dưới nhà sàn người Tày, cầu thổ địa phù hộ năm mới trồng cây tốt tươi, gà vịt sinh sôi. Tết năm nay gói gọn trong không gian gia đình, dòng tộc động viên nhau vì vừa trải qua mất mát.
Chiều 29 tháng chạp, chị Cảnh lên thăm mộ chồng rồi mang thêm một ít hoa quả ra Nhà bia tưởng niệm thắp hương cho người làng. “Nơi ấy giờ đặt bát hương chung của thôn, bà con hẹn nhau từ mùng 1 đến mùng 3 Tết nhà nào có điều kiện cứ ra hương khói cho ấm cúng”, chị cho hay.
Trải qua năm Giáp Thìn nhiều biến cố, chị Cảnh mong làng mình, gia đình luôn an ấm, ổn định hơn để khôi phục kinh tế. “Cảm ơn cả nước đã đồng hành, hỗ trợ gia đình và bà con Làng Nủ trong suốt thời gian qua”, chị nói.
Trưởng thôn Hoàng Văn Diệp mong năm mới người Làng Nủ đoàn kết hơn để tạo dựng cuộc sống mới ở khu tái thiết. Sống ổn định, yên vui chính là “không phụ lòng” quan tâm của Chính phủ, Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước dành cho ngôi làng dưới chân núi Voi.
Người Công giáo đến nhà thờ dự Thánh lễ cuối năm
Khoảng 1.000 giáo dân đã tập trung về thánh đường giáo xứ Chính Trạch (Giáo phận Đà Nẵng) tham dự thánh lễ Tất niên và Giao thừa. Ngoài hoa tươi, trên cung thánh còn được trang trí thêm cây mai, quất, hoa cúc để thêm sắc Xuân.
Trong lời dẫn nhập lễ, linh mục Gabriel Nguyễn Ngọc Tuấn, quản xứ Chính Trạch, nói theo văn hóa của người Á Đông, ngày cuối năm để mọi người cùng nhìn lại một năm đã qua. Người Công giáo dành thời gian này để tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành đã ban trong năm qua, đồng thời cũng nhìn nhận những lầm lỗi, thiếu xót của bản thân đối với Chúa và đối với cộng đoàn, từ đó xin Chúa chúc lành cho một năm mới bình an.
“Niềm cậy trông không làm chúng ta thất vọng. Chúng ta cũng tín thác năm mới cho Thiên Chúa để Thiên Chúa tuôn đổ muôn ơn lành cho bản thân, cho gia đình và cho toàn thể xứ đạo”, linh mục Gabriel Nguyễn Ngọc Tuấn nói.
Ngoài thánh lễ Tất niên và Giao thừa, trong ba ngày Tết, tại hơn 7.700 cơ sở thờ tự của người Công giáo trên cả nước đều cử hành các thánh lễ Tân niên – Mùng một (cầu bình an), Mùng hai (kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ), Mùng ba (thánh hóa công ăn việc làm). Tại nhiều giáo xứ, thánh lễ kính nhớ ông bà tổ tiên được cử hành ở vườn thánh và sau thánh lễ giáo dân sẽ đến thắp hương, viếng mộ tổ tiên.
Người Công giáo đến nhà thờ dự Thánh lễ cuối năm
Khoảng 1.000 giáo dân đã tập trung về thánh đường giáo xứ Chính Trạch (Giáo phận Đà Nẵng) tham dự thánh lễ Tất niên và Giao thừa. Ngoài hoa tươi, trên cung thánh còn được trang trí thêm cây mai, quất, hoa cúc để thêm sắc Xuân.
Trong lời dẫn nhập lễ, linh mục Gabriel Nguyễn Ngọc Tuấn, quản xứ Chính Trạch, nói theo văn hóa của người Á Đông, ngày cuối năm để mọi người cùng nhìn lại một năm đã qua. Người Công giáo dành thời gian này để tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành đã ban trong năm qua, đồng thời cũng nhìn nhận những lầm lỗi, thiếu xót của bản thân đối với Chúa và đối với cộng đoàn, từ đó xin Chúa chúc lành cho một năm mới bình an.
“Niềm cậy trông không làm chúng ta thất vọng. Chúng ta cũng tín thác năm mới cho Thiên Chúa để Thiên Chúa tuôn đổ muôn ơn lành cho bản thân, cho gia đình và cho toàn thể xứ đạo”, linh mục Gabriel Nguyễn Ngọc Tuấn nói.
Ngoài thánh lễ Tất niên và Giao thừa, trong ba ngày Tết, tại hơn 7.700 cơ sở thờ tự của người Công giáo trên cả nước đều cử hành các thánh lễ Tân niên – Mùng một (cầu bình an), Mùng hai (kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ), Mùng ba (thánh hóa công ăn việc làm). Tại nhiều giáo xứ, thánh lễ kính nhớ ông bà tổ tiên được cử hành ở vườn thánh và sau thánh lễ giáo dân sẽ đến thắp hương, viếng mộ tổ tiên.
Lời chúc Tết của chiến sĩ ở đảo xa
Trước thềm năm mới, cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ trực Tết của Trung đoàn Radar 151 Vùng 1 Hải quân – đơn vị bảo vệ vùng biển và không phận tầng thấp từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh vẫn túc trực bên màn hình radar với tinh thần “không để Tổ quốc bất ngờ từ hướng biển”.
Năm đầu trực, trung sĩ Nguyễn Sỹ Vũ, Trạm Radar 485 đóng quân trên đảo Trà Bản (Vân Đồn, Quảng Ninh), có chút hồi hộp “nhưng tự hào nhiều hơn” khi giữ đảo cho đất liền vui xuân đón Tết. Trước mùa trực, Vũ được các quân nhân có kinh nghiệm rèn luyện thành thục phương án và hướng dẫn xử lý nếu có tình huống xảy ra.
“Chúc đất liền đón năm mới an lành. Chúng tôi ở đây xin hứa sẽ hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”, Vũ nhắn gửi từ Trà Bản – nơi cách đất liền 25 hải lý, thêm rằng “ở đảo, hoa đào, bánh chưng đều đủ cả, bố mẹ đừng lo lắng khi con xa nhà”.
Thượng úy Nguyễn Công Ân, Trạm phó Radar 485, Trung đoàn 151 Vùng 1 Hải quân, cho biết ngoài quân số vui xuân đón Tết, một phần ứng trực xuyên giao thừa thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Đơn vị tổ chức cho bộ đội ăn Tết đầy đủ như trang trí phòng đón xuân, gói bánh chưng, mổ lợn, những chiến sĩ lần đầu ăn Tết trong quân ngũ, bộ đội nhiều năm xa nhà được tạo điều kiện thăm hỏi gia đình trước Tết.
“Cán bộ chiến sĩ trên đảo luôn khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tết đến xuân về, chúc đồng đội, nhân dân cả nước đón Tết ấm no, hạnh phúc”, thượng úy Ân nhắn gửi.
Người dân đổ về bờ sông Sài Gòn chờ ngắm pháo hoa giao thừa
‘Sẽ kết nối du học sinh Việt ở Mỹ’
Chị Nguyễn Thị Ngân Hà, 35 tuổi, hiện làm việc ở Mỹ, tranh thủ ghé khu chợ người Việt ở bang Virginia, cảm nhận không khí mua sắm có phần vắng lặng hơn các năm. Theo cô các mặt hàng đón Tết cổ truyền tại chợ tương đối ít. “Tình hình kinh tế chung và khu Đông Bắc nước Mỹ chịu ảnh hưởng bão tuyết liên tục nên sức mua bị ảnh hưởng”, Hà cho biết.
Tất bật với công việc, chị Hà đón Tết cổ truyền xa quê khá đơn giản, thường hòa vào dòng người mua sắm Tết tại các khu chợ do người Việt tổ chức. Hà hiện là chuyên viên phân tích dữ liệu, dự định năm mới sẽ học thêm ngôn ngữ, nâng cao kỹ năng công việc, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động kết nối, hỗ trợ các cộng đồng, nhất là du học sinh người Việt nhiều hơn.
TP Huế mưa lạnh, các điểm biểu diễn vắng người
Do mưa, trời lạnh, quảng trường Ngọ Môn ở quận Phú Xuân diễn ra chương trình nghệ thuật mừng Xuân do TP Huế tổ chức song vắng người theo dõi. Công viên Lý Tự Trọng ở đường Lê Lợi, quận Thuận Hóa đặt cặp đôi linh vật rắn trước cổng trường Quốc học Huế cũng ít người dân đến vui chơi.
‘Mong muốn năm Tỵ mọi thứ tươi sáng hơn’
TP Vũng Tàu tiết trời mát mẻ, gió nhẹ đã thu hút hàng nghìn người dân và du khách tập trung tại công viên Tam Giác, đối diện biển Bãi Trước. Họ đến đây để chụp ảnh cùng hoa xuân rực rỡ, thưởng thức chương trình nghệ thuật và chờ đợi màn bắn pháo hoa chào năm mới.
Trong dòng người tấp nập, anh Hoàng Quốc Việt, đến từ TP Biên Hòa, nổi bật với bộ đồ sặc sỡ và những chùm bong bóng đủ màu sắc. Anh cho biết ngoài công việc chính tại công ty, thường tranh thủ bán bong bóng vào cuối tuần để kiếm thêm thu nhập. Dịp Tết này, anh quyết định lưu lại Vũng Tàu vài ngày đầu năm để làm việc.
“Năm qua công việc không có gì nổi bật, nhưng tôi cảm thấy may mắn vì gia đình luôn bình an, hạnh phúc”, anh Việt nói và gửi gắm mong ước năm mới: “Hy vọng mọi người đều mạnh khỏe, năm Tỵ sẽ là hành trình tươi sáng hơn”.
Năm mới kỳ vọng miền Tây thu hút nhiều nhà đầu tư
Rất đông người đổ về công viên sông Hậu đón xem chương trình nghệ thuật chào đón năm mới. Anh Nguyễn Văn Tâm – chủ doanh nghiệp vận tải ở quận Ninh Kiều cho biết, Cần Thơ hai năm sau dịch có sự phục hồi, phát triển mạnh mẽ. Đơn vị của chúng tôi có hơn 30 đầu xe tải, container phải liên tục chở hàng hoá nông sản lên các cảng ở TP HCM và Đông Nam bộ phục vụ xuất khẩu rồi chở hàng nhập khẩu là máy móc thiết bị, hàng tiêu dùng cao cấp, điện tử… về địa phương.
“Tôi rất mừng khi địa phương thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhất thu hút đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng xây dựng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh quy mô 900 ha”, anh Tâm nói và nhận định đây là cơ hội để thu hút các doanh nghiệp sản xuất lớn, hiện đại vào sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho lao động địa phương và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thúc đẩy địa phương và cả vùng phát triển.
Người Việt ở Nhật: ‘Cố gắng giữ Tết để con không mất gốc’
Đây là năm thứ 8 chị Phan Phương Thúy, 34 tuổi, đón Tết ở Nhật Bản. Tuy nhiên, năm nay đặc biệt hơn khi gia đình nhỏ của chị đã có căn nhà “chính chủ” ở tỉnh Nagano, cách Tokyo khoảng 300 km. Hơn chục năm trước, chồng chị sang Nhật làm việc cho một công ty xây dựng theo dạng visa kỹ sư. Đến nay, cả nhà đã chuyển sang visa nhân tài, làm việc lâu dài ở Nhật.
Ngoài các chính sách an sinh tốt hơn, gia đình chị có thể đón người thân sang ở cùng và được vay mua nhà lãi suất thấp. Từ hơn tháng trước, chị Thúy đã bắt đầu trang trí nhà cửa. Tết Dương lịch, chị trang hoàng theo phong cách Nhật trong khi Âm lịch theo kiểu truyền thống Việt Nam. Hôm 23 tháng Chạp, chị làm mâm cơm tiễn ông Công ông Táo đầy đủ bánh chưng, giò chả, bày mâm ngũ quả, cắm cành đào. Trong bữa cơm, vợ chồng chị cùng nói với con về Tết cổ truyền cũng như đất nước Việt Nam. “Đây là dịp tôi nói với hai con về cội nguồn, cố gắng truyền đạt để con không mất gốc”, chị Thúy nói.
Không chỉ nói về văn hóa, chị còn dạy hai con nói, viết tiếng Việt do Nhật Bản đã không còn giữ Tết cổ truyền theo lịch âm nên người lao động không có ngày nghỉ vào dịp này. Vào những ngày Tết, vợ chồng chị và các con sẽ gọi điện “ăn Tết online” với ông bà nội, ngoại ở Bắc Giang và Phú Thọ. Mùng 4 Tết (ngày 1/2), rơi vào thứ Bảy, là ngày nghỉ trong tuần nên các gia đình thân thiết sẽ cùng họp mặt, liên hoan năm mới.
Theo chị Thúy, cộng đồng người Việt ở Nhật ngày càng lớn, nhiều người lập các hội nhóm để cùng tổ chức các chương trình vui Tết để có không khí. “Là người Việt xa xứ, chúng tôi luôn cố gắng gìn giữ những nét văn hóa Việt theo cách của riêng mình”, chị Thúy nói.
Đường hoa Nguyễn Huệ đông nghẹt khách tham quan
Thi gói bánh tét trong lúc chờ đón giao thừa
Tiểu đoàn cảnh sát cơ động, đặc nhiệm (tiểu đoàn 5) thuộc Trung đoàn cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ, đóng quân tại TP Phú Quốc, Kiên Giang, tổ chức hội thi gói bánh và trang trí mâm cỗ ngày Tết. Những đòn bánh tét, bánh chưng được các chiến sĩ gói tỉ mỉ, hoàn thành chiều 29 Tết. Bánh ra lò, sẽ đãi các chiến sĩ thuộc đội ứng trực đêm giao thừa, đồng thời tạo không khí vui tươi thời khắc chào đón năm mới.
Lao động Việt Nam ở Hàn Quốc: ‘Mong năm mới nhiều việc, đồng won tăng giá’
Anh Trần Văn Mãi đang làm việc trong một doanh nghiệp thực phẩm ở Hàn Quốc theo chương trình EPS và đây là cái Tết thứ hai xa quê. Hôm 27 tháng Chạp, anh và một vài người bạn thân thiết đã tổ chức liên hoan tất niên, chia tay năm cũ.
Dù được nghỉ 6 ngày, chàng thanh niên quê Đồng Tháp cho biết gần như dành toàn bộ thời gian để nghỉ ngơi. “Tết cổ truyền bên Hàn không vui như ở Việt Nam”, anh Mãi nói. Đường phố không có nhiều lễ hội, người dân đi làm ăn xa nên những ngày cuối năm họ tranh thủ trở về nhà sum họp bên gia đình. Các con đường thường xuyên kẹt xe nên cũng không thuận tiện để ra ngoài.
Theo anh Mãi, hôm gặp tất niên chính là ngày Tết chính của những lao động xa quê. Những người bạn nói về công việc, tiền lương, kế hoạch sắp tới và đều chung nỗi niềm “nhớ Tết ở quê nhà”. Với cá nhân mình, nam lao động cho biết sẽ trở về Việt Nam khi hết hợp đồng ba năm. Khoản vay để sang Hàn đã được anh trả xong từ hồi đầu năm. Do đó, đây là thời gian để anh tích lũy tiền để trở về quê hương lập nghiệp.
Tuy nhiên, mấy năm qua đồng won liên tục mất giá nên khi quy đổi về tiền đồng không được như kỳ vọng. Thanh niên 24 tuổi cho biết đầu năm tiền lương có tăng song giá cả lại tăng nhanh hơn khiến mức tăng không đủ bù đắp. Do đó, năm mới anh kỳ vọng công ty nhiều việc, có tăng ca để thêm thu nhập và đặc biệt đồng won phục hồi để “công sức lao động của mình có giá trị hơn”.
Người dân Thủ đô xuống đường hòa mình vào không khí xuân
Hà Nội đang rét 14 độ C, khu vực xung quanh Hồ Gươm vắng hơn mọi năm do năm nay không có chương trình Countdown như mọi năm. Nhiều gia đình thong dong dạo phố, ghi lại hình ảnh đẹp đêm giao thừa.
Hải Phòng bắn pháo hoa ở 13 điểm
Đêm giao thừa Ất Tỵ 2025, Hải Phòng sẽ trở thành không gian rực rỡ sắc màu với 13 điểm bắn pháo hoa trải dài khắp thành phố. Chương trình nghệ thuật “Hải Phòng – Mùa xuân và khát vọng” được tổ chức tại quảng trường Nhà hát thành phố sẽ mang đến những tiết mục đặc sắc, với sự góp mặt của ca sĩ Thu Phương và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.
Loạt sự kiện đón năm mới bên sông Hàn
Tối 28/1, hàng chục nghìn người dân và du khách đã đổ ra hai bờ sông Hàn, nơi trang trí các tiểu cảnh linh vật và hoa xuân. Điểm nhấn của những điểm trang trí này là linh vật rắn hổ mang do nghệ nhân Đinh Văn Tâm chế tác, đặt tại công viên phía tây cầu Rồng, cao 5 m, phần mang phồng rộng 2,6 m, thân uốn lượn dài hàng chục mét, với màu vàng chủ đạo từ đầu đến đuôi, tạo nên thần thái sinh động và sắc nét. Nguyên liệu chế tác bao gồm nhựa, sắt, xốp và thạch cao.
Khu vực cầu chữ T, trước tòa nhà Pháp cổ (nay là Bảo tàng Đà Nẵng) cũng được trang trí một “Bé Na” tương tự nhưng kích thước nhỏ hơn. Phía bên kia sông, linh vật rắn được cách điệu đội nón lá, hay cặp đôi “rắn hồng” cũng thu hút đông người đến xem, chụp ảnh tại khu vực công viên nằm giữa cầu Rồng và cầu Tình yêu.
Tại khuôn viên phía đông cầu Rồng, nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng thực hiện hai chương trình nghệ thuật “Xuân hội tụ” và “Dịu dàng sắc Xuân”. Nghệ sĩ ưu tú Trần Quang Hào, Giám đốc Nhà hát, cho biết trọng tâm của chương trình là “Xuân hội tụ”, với ba phần “Đất nước vào xuân”, “Xuân bừng sức sống” và “Khát vọng xuân ngời” diễn ra vào 21h.
“Với sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc, vũ đạo và ánh sáng sân khấu hiện đại, hai chương trình hứa hẹn mang đến cho khán giả những khoảnh khắc đầy cảm xúc, đánh dấu một mùa xuân mới tràn đầy sức sống – mùa xuân đoàn viên, mùa xuân của những chiến công đã khắc sâu trong trang sử và mùa xuân của những thành quả đang nở hoa từng ngày bay cao cùng đất nước”, nghệ sĩ, ca sĩ Quang Hào nói.
Thời khắc giao thừa, TP Đà Nẵng sẽ bắn pháo hoa trong 15 phút tại ba địa điểm. Ở trung tâm thành phố, người dân có thể xem pháo hoa tại khu vực đường Bạch Đằng ven sông Hàn, đoạn giao với đường Bình Minh 6. Còn ở ngoại ô, người dân sẽ chiêm ngưỡng pháo hoa ở khu vực trước Trung tâm hành chính quận Liên Chiểu và Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang.
Năm nay, Đà Nẵng bắn 1.950 quả pháo tầm cao và 90 giàn tầm thấp, theo phương pháp trình diễn pháo hoa nghệ thuật (không nhạc nền), sử dụng hệ thống bắn pháo hoa FireOne và bán tự động bắn pháo hoa L100S.
Người dân TP HCM đi metro tham quan đường hoa và ngắm pháo hoa
TP Huế bắn pháo ở 4 điểm
Năm đầu tiên lên thành phố trực thuộc trung ương, chính quyền TP Huế tổ chức bắn pháo hoa tầm cao ở 4 điểm gồm: Kỳ Đài ở quận Phú Xuân và trung tâm thị xã Phong Điền, huyện Phú Lộc, huyện A Lưới, nhiều hơn so với năm trước một điểm. Điểm ở Kỳ Đài bắn 1.000 quả pháo; các điểm còn lại bắn 500 quả.
Tại quảng trường Ngọ Môn ở quận Phú Xuân, TP Huế tổ chức chương trình nghệ thuật mừng xuân.
TP HCM bắn pháo hoa 15 điểm
Lần đầu tiên TP HCM bắn pháo hoa 15 điểm mừng Tết Nguyên đán, nhiều hơn 7 điểm so với trước. Trong đó, hai điểm bắn pháo hoa tầm cao tại đầu hầm sông Sài Gòn (TP Thủ Đức) và Khu tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi).
13 điểm bắn tầm thấp gồm: Khu đô thị Thảo Điền, TP Thủ Đức; khu vực cầu Rạch Đĩa, Nhà Bè; khu vực sông Sài Gòn, gần cầu Rạch Chiếc, Thủ Đức (bắn trên sà lan); Công viên văn hóa Đầm Sen, quận 11; Đền tưởng niệm Bến Nọc, Thủ Đức. Khu tưởng niệm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Bình Chánh; Khu công nghiệp Tây Bắc, Củ Chi; Đền tưởng niệm liệt sĩ Rừng Sác, Cần Giờ; Quảng trường trung tâm hành chính quận 7; Công viên Khu dân cư 38 ha, phường Tân Thới Nhất, quận 12; quảng trường Hòa Bình, Gò Vấp; Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng, Hóc Môn; khu vực chợ Bình Điền, quận 8.
Để phục vụ người dân vui chơi, xem pháo hoa, cơ quan chức năng cấm xe vào hơn 20 tuyến đường khu trung tâm từ 20h30 ngày 28 đến 0h30 ngày 29/1. Các tuyến đường bị cấm gồm: Lê Lợi (từ Pasteur đến Đồng Khởi), Nguyễn Huệ (từ Lê Thánh Tôn đến Tôn Đức Thắng), Đồng Khởi (từ Mạc Thị Bưởi đến Tôn Đức Thắng), Tôn Đức Thắng (từ Nguyễn Siêu đến cầu Khánh Hội)…
Ngoài bắn pháo hoa, dịp Tết Nguyên đán TP HCM còn tổ chức trình chiếu ánh sáng 3D lên tòa nhà UBND TP HCM vào tối 29 Tết, song hành cùng các hoạt động đón xuân tại trung tâm như: Triển lãm Mừng Xuân Ất Tỵ – Mừng Đảng quang vinh” từ 26 Tết đến 12 tháng Giêng tại công viên Lam Sơn và đường Pasteur – Lý Tự Trọng; Tổ chức các chương trình văn hóa văn nghệ tại khu khuôn viên tượng đài Hồ Chí Minh trên phố Nguyễn Huệ; Đường hoa Nguyễn Huệ; Lễ hội sách Tết Ất Tỵ đường Lê Lợi.
-
Hà Nội bắn pháo hoa ở 30 điểm
UBND TP Hà Nội tổ chức 30 điểm bắn pháo hoa (31 trận địa) vào đêm giao thừa Tết Ất Tỵ 2025, trong đó có 10 điểm tầm cao kết hợp tầm thấp. Riêng quận Hoàn Kiếm bắn ở hai điểm quanh Hồ Gươm là trước Trụ sở Tòa soạn báo Hà Nội mới và trước Bưu điện thành phố.
Có 10 trận địa, mỗi nơi 600 quả tầm cao và 90 giàn tầm thấp; 21 trận địa bắn pháo hoa tầm thấp, mỗi nơi 120 giàn pháo. Thời điểm bắn từ 0h đến 0h15 ngày 29/1, kinh phí dự kiến hơn 36 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.
Ngoài pháo hoa, các quận huyện đều tổ chức chương trình nghệ thuật ở khu vực trung tâm. Quận Nam Từ Liêm tổ chức chương trình nghệ thuật “Rực rỡ Thăng Long 2025” ở quảng trường Mỹ Đình – sân vận động quốc gia Mỹ Đình (đường Lê Đức Thọ) với sự tham gia của những nghệ sĩ như: Tùng Dương, Thu Minh, Soobin Hoàng Sơn, Hà Lê, Cường Seven… và dàn nhạc dân gian đương đại dưới sự chỉ đạo của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh.
Cần Thơ bắn 1000 quả pháo hoa trên sông Hậu
Tại TP.Cần Thơ, lực lượng quân đội lắp đặt trận địa pháo hoa với 1.000 quả trên sà lan giữa sông Hậu, chuẩn bị cho thời khắc giao thừa đón năm mới Ất Tỵ 2025.
Theo đó, pháo hoa được lắp đặt trên sà lan 2.000 tấn, neo đậu tại khu vực quảng trường 586, thuộc quận Cái Răng. Chiều 29 tết, sà lan được kéo về vị trí bắn pháo hoa tại ngã ba sông Cần Thơ, cách nhà hàng Hoa Sứ khoảng 300 m, thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều.
Đây là năm thứ 3, TP Cần Thơ tổ chức bắn pháo hoa trên sà lan, kinh phí xã hội hoá. Việc bắn pháo hoa tầm cao trên sông giúp người dân dễ dàng nhìn ngắm và tận hưởng khoảnh khắc đón mừng tết cổ truyền.Theo Bộ Chỉ huy quân sự TP Cần Thơ có tổng cộng 1.000 quả pháo hoa được lắp đặt để phục vụ người dân trong đêm giao thừa. Trong đó, gồm loại pháo số 3 (50 quả), pháo số 4 (200 quả), pháo số 5 (400 quả), pháo số 6 (250 quả), pháo số 6 đặc biệt (50 quả), pháo số 7 (50 quả).
Ngoài ra TP Cần Thơ còn tổ chức 3 điểm bắn pháo hoa tầm thấp lúc 22 giờ các địa điểm: Công viên Phan Văn Trị, huyện Phong Điền; khu vực quảng trường huyện Thới Lai; khu vực quảng trường UBND huyện Vĩnh Thạnh.