Chùa Hương khai hội vào ngày đầu tiên người dân đi làm sau kỳ nghỉ Tết kéo dài nên bến thuyền, động Hương Tích thưa vắng khách.
Sáng mùng 6 Tết (3/2), lễ hội chùa Hương 2025 khai mạc với chủ đề Lễ hội chùa Hương điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt.
Ông Bùi Văn Triều, Trưởng ban Quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn, cho biết hôm nay có khoảng 20.000 lượt khách dự hội, ít hơn 16.500 khách so với hôm qua.
Bến đò không ùn tắc, quá tải như những năm trước. Phí tham quan chùa Hương và bảo hiểm với người lớn là 80.000 đồng, trẻ em 40.000 đồng. Giá dịch vụ xuồng đò hai chiều đi tuyến Hương Tích là 50.000 đồng một người, tuyến Long Vân – Tuyết Sơn 35.000 đồng.
Đúng 9h, màn trống hội khai hội tại chùa Thiên Trù.
Phát biểu khai mạc, ông Đặng Văn Cảnh, Phó chủ tịch huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức lễ hội, nói lễ hội chùa Hương là sự kết nối giữa di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, là cầu nối giữa hiện tại, quá khứ và tương lai, là phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân và du khách, phật tử thập phương.
Màn múa rồng của các bô lão thôn Hội Xá, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức trong chương trình khai hội.
Thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương, đánh hồi trống khai hội
“Vợ chồng tôi dậy từ 5h để đi chùa Hương. Năm nay chúng tôi mong có con”, chị Trần Thị Uyên, quê Hà Nam nói trong lúc khấn vái.
Bấm để lật ảnh sau/trước
Có thời điểm đường đi vào cáp treo lên động Hương Tích chỉ vài người. Giá vé cáp treo khứ hồi là 220.000 đồng một người.
Bấm để lật ảnh sau/trước
Động Hương Tích thưa vắng người thắp hương, xin lộc, trái với cảnh đông đúc, chen lấn như khai hội năm trước.
Du khách hứng nước từ nhũ đá của hang động với hy vọng mang lại may mắn.
Lễ hội chùa Hương kéo dài nhất cả nước, tới 1/5, thu hút hàng triệu khách tham quan mỗi năm. Di tích này cách trung tâm Hà Nội khoảng 60 km.