Năm 2025 là năm đặc biệt ý nghĩa với dấu mốc 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã chia sẻ kỳ vọng về “diện mạo” của báo chí Việt Nam và báo chí đối ngoại trước dấu mốc đặc biệt này.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, sau gần 1 thế kỷ hòa nhịp cùng dòng chảy của đất nước, từ quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, đến công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nền báo chí cách mạng Việt Nam có những bước tiến đáng kể.
Ngày nay, báo chí không còn là những trang giấy thô sơ mà được truyền tải dưới đa dạng hình thức gồm báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử, truyền thông mạng xã hội…; sản xuất, lan tỏa hàng trăm triệu tin bài trên không gian mạng cùng hàng chục nghìn giờ phát thanh, truyền hình mỗi năm, tích cực ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Là một phần của báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí đối ngoại đã luôn nỗ lực không ngừng để đóng góp vào sứ mệnh chung… Báo chí đối ngoại là lực lượng đi đầu, chủ công trong công tác thông tin đối ngoại, có nhiệm vụ “đưa Việt Nam tới gần thế giới và đưa thế giới tới gần Việt Nam”.
Năm 2025 là thời điểm đất nước có nhiều sự kiện lớn, quan trọng: 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 135 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 80 năm ngày thành lập nước, 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, 80 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao…
Việt Nam cũng sẽ triển khai các hoạt động đối ngoại song phương, đa phương quan trọng như Diễn đàn Tương lai ASEAN lần thứ 2, Hội nghị Thượng đỉnh đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G), tổ chức lễ mở ký Công ước Liên Hợp Quốc “Công ước Hà Nội” về tội phạm mạng…
Theo Thứ trưởng, đây chính là những cơ hội, là nguồn chất liệu dồi dào để báo chí đối ngoại truyền tải sâu rộng tới quốc tế về truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc; lan tỏa hình ảnh một Việt Nam tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến, với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc…
Tuy nhiên, trong bối cảnh thông tin đa dạng, tốc độ thông tin nhanh hơn bao giờ hết, nội dung truyền tải đến công chúng, nhất là tới các khán giả quốc tế, cần phải đáp ứng phương châm “dễ tiếp thu, dễ tiếp nhận và hấp dẫn hơn”.
Thứ trưởng cho rằng báo chí cần đột phá trong tư duy xây dựng nội dung, theo đó sáng tạo những nội dung có tính lan tỏa mạnh mẽ (viral), tạo ra xu hướng (trendsetting), hoặc khéo léo bắt nhịp, lồng ghép các thông điệp chính thống với các xu hướng mới nhất trên internet, nhằm khuếch đại độ lan tỏa của thông điệp.
“Trực quan hóa” (visualize) nội dung theo hướng trực diện, ngắn gọn, dễ hiểu và sinh động. Ngày nay, khi mà mỗi nội dung chỉ có 2,5 giây để thu hút và giữ chân khán giả, cùng với sự “lên ngôi” của dạng video ngắn (reels), việc đổi mới cách truyền tải những nội dung về lịch sử, văn hóa dân tộc sẽ góp phần đưa những nội dung này dễ dàng “chạm” tới đại chúng hơn.
Ngoài ra, cần phân phối nội dung hiệu quả trên đa nền tảng, nhất là nền tảng mạng xã hội. Để làm được điều đó, báo chí đối ngoại cần hiểu rõ các thuật toán, đặc trưng riêng của mỗi nền tảng và sự quan tâm của công chúng, từ đó sản xuất ra những sản phẩm phù hợp.
Cần tăng cường sự tham gia của công chúng vào quá trình truyền thông, lắng nghe dư luận để đưa ra sản phẩm truyền thông phù hợp với nhu cầu, thị hiếu; đưa nhiều góc nhìn, tiếng nói của công chúng, nhất là các khán giả nước ngoài vào các sản phẩm truyền thông để tạo sự gần gũi, đồng cảm tốt hơn…
Truyền tải Việt Nam “rộng hơn, xa hơn”
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh kỷ nguyên vươn mình là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu; mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc…
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, để tạo đà đưa Việt Nam “vươn mình” bước vào kỷ nguyên mới, ưu tiên cao nhất của công tác đối ngoại – ngoại giao là củng cố môi trường hòa bình, ổn định; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; tranh thủ mọi điều kiện thuận lợi và nguồn lực bên ngoài để tích lũy nội lực, phát triển kinh tế – xã hội bền vững và nâng cao uy tín, vị thế của đất nước.
Để đổi mới và kiến tạo trong kỷ nguyên mới, Thứ trưởng khẳng định báo chí đối ngoại cần “đi trước, đón đầu”, không chỉ đấu tranh, phản bác khi có luận điểm sai trái đưa ra, mà cần chủ động nghiên cứu, dự báo tình hình, chủ động phủ xanh mặt trận truyền thông bằng những thông tin, hình ảnh tích cực, khách quan.
Về cách thức, cần đổi mới cách đưa những nội dung trên đến với công chúng qua việc đa dạng hình thức thể hiện, đa dạng nền tảng/kênh truyền thông, đa dạng đối tượng để đưa thông điệp, hình ảnh của Việt Nam lan tỏa tới ngày càng nhiều đối tượng hơn.
Nguồn lực báo chí đối ngoại nên phát triển theo hướng “tinh gọn”, “hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”. Việc thực hiện Nghị quyết số 18 có ảnh hưởng đến cơ quan báo chí, Thứ trưởng chia sẻ đây là vừa là khó khăn nhưng cũng là yếu tố cần thiết để có thể đổi mới mạnh mẽ ngành báo chí đối ngoại.
“Chúng ta sống trong thời khắc lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, Thứ trưởng chia sẻ và nhấn mạnh một trong những ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, 2045.
Để xây dựng và truyền tải được thông điệp này đến “rộng hơn, xa hơn” với bạn bè khu vực, quốc tế, theo Thứ trưởng, lực lượng báo chí đối ngoại có thể khai thác một số góc nhìn như: Việt Nam là một quốc gia ổn định chính trị, là nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế. Việt Nam cần được thể hiện là một nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng ấn tượng và tiềm năng hội nhập sâu rộng. Những câu chuyện thành công trong thu hút đầu tư, chuyển đổi số và nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ là điểm nhấn quan trọng.
Ở góc nhìn con người, văn hóa và bản sắc dân tộc, báo chí đối ngoại cần truyền tải lịch sử hào hùng, giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, tinh thần hiếu khách và bản lĩnh, trí tuệ của con người Việt Nam; hình ảnh một dân tộc “hội nhập nhưng không hòa tan”.
Về vị thế quốc tế, một Việt Nam phồn vinh không chỉ được đánh giá qua sự phát triển kinh tế – xã hội mà còn qua vai trò và tiếng nói trên trường quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy, đóng góp tích cực vào hòa bình, hợp tác và phát triển toàn cầu…