Hà Nội: Chi 33 tỉ để nâng sức hấp dẫn của giao thông công cộng

adminTháng 2 4, 2025
4 lượt xem

Hà Nội sẽ tiếp nhận dự án hỗ trợ kỹ thuật “Cải thiện giao thông công cộng TP Hà Nội” sử dụng viện trợ không hoàn lại trị giá khoảng 33 tỉ đồng nhằm nâng cao sức hấp dẫn của giao thông công cộng. Thời gian thực hiện dự án trong năm 2025 – 2026.

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt nội dung văn kiện và tiếp nhận dự án hỗ trợ kỹ thuật “Cải thiện giao thông công cộng TP.Hà Nội (Moov’Hanoi)” sử dụng viện trợ không hoàn lại của Hội đồng Vùng Île-de-France (Cộng hòa Pháp).

Tổng vốn dự án khoảng 33 tỉ đồng, tương đương hơn 1,2 triệu euro. Trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 32 tỉ đồng do bên tài trợ là Hội đồng Vùng Île-de-France và Cơ quan Phát triển Pháp (bên cung cấp viện trợ) trực tiếp quản lý. Vốn đối ứng khoảng 1 tỉ đồng được huy động từ ngân sách TP.

Dự án đặt ra 2 mục tiêu chung nhằm nâng cao sức hấp dẫn của giao thông công cộng tại Hà Nội và hỗ trợ TP thiết lập mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức. Thời gian thực hiện dự án trong năm 2025 – 2026.

Hà Nội kỳ vọng khi dự án được triển khai sẽ cải thiện “lộ trình di chuyển của hành khách”, đặc biệt thông qua cải tiến các điểm ga giao thông công cộng. Đồng thời, cải thiện khả năng tiếp cận bằng tất cả các phương thức, đặc biệt là đi bộ đến các nhà ga để tạo thuận lợi cho việc sử dụng phương thức giao thông công cộng mới này.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ có thể tổ chức lại mạng lưới xe buýt hiện có để bổ sung tốt hơn trong cung cấp giao thông công cộng nói chung.

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, dự án có nhiều nội dung chính, trong đó nội dung 1 sẽ nghiên cứu thực trạng và xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến giao thông và nhu cầu đi lại hàng ngày của người dân Hà Nội để phát triển hệ thống giao thông bền vững.

Nội dung 2 nhằm hỗ trợ chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong việc mở mới, điều chỉnh dịch vụ các tuyến buýt trên cơ sở kế hoạch tái cấu trúc và hợp lý hóa mạng lưới xe buýt công cộng. Từ đó tạo thuận lợi cho việc kết nối giữa các phương thức vận tải metro/BRT/bus.

Nội dung 3 là các nguyên tắc thiết kế các điểm ga giao thông công cộng, điểm trung chuyển xe buýt, điểm trung chuyển đa phương thức và triển khai dự án thí điểm làm cơ sở nhân rộng và quản lý kết nối đa phương thức. Điều này nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ của mạng lưới xe buýt đô thị và liên vận.

Tính đến năm 2023, trên địa bàn Hà Nội có 154 tuyến buýt, trong đó 132 tuyến trợ giá; 8 tuyến không trợ giá; 12 tuyến kế cận và 2 tuyến City tour. Mạng lưới tuyến xe buýt trong 10 năm qua thường xuyên được phát triển, mở rộng, cải thiện, hợp lý hóa nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách.

Sở GTVT Hà Nội cho rằng việc phát triển, mở mới các tuyến buýt cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi cần phải có các giải pháp để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.

Các kênh thông tin của chúng tôi

Disclaimer: Thông tin trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Coin98 Insights. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật một số nước công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *