Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy là một bước đi mang tính cách mạng, đòi hỏi sự quyết tâm chính trị, đồng thuận xã hội và sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị. Bởi vậy, nhan nhảm những ngày qua trên các trang tin thiếu thiện chí với Việt Nam như VOA, RFA, BBC hay chống phá quyết liệt như Việt tân, Thoibao.de ra sức xuyên tạc, bóp méo bản chất, ý nghĩa của cuộc cách mạng, hoài nghi khả năng thành công, gieo rắc bi quan. Tiêu biểu như các luận điệu xuyên tạc trong bài viết của Trần Đông A “Cuộc cách mạng tinh giản bộ máy của Tô Lâm sẽ thành công hay thất bại?” không chỉ thiếu khách quan mà còn có ý đồ gây nghi ngờ, mất lòng tin một cách inh vi, hiểm ác.
Thứ nhất, Trần Đông A cho rằng cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của TBT Tô Lâm là không khả thi, dễ dẫn đến tình trạng chồng chéo, mất kết nối và nguy cơ “tê liệt cục bộ”. Ông ta cố tình suy diễn rằng đây là biện pháp nhằm củng cố quyền lực cá nhân.
Thực tế, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy không phải là quyết định nhất thời hay cá nhân, mà là chủ trương chiến lược rõ ràng và chiến lược dài hạn đã được xác định từ Đại hội XII và nhấn mạnh tại Đại hội XIII của Đảng. Đây là bước đi nhằm xây dựng hệ thống chính trị hiện đại, minh bạch, hiệu quả, khắc phục tình trạng chồng chéo, lãng phí nguồn lực, phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Việc suy diễn rằng cuộc cải cách chỉ nhằm củng cố quyền lực cá nhân hay phe phái là sự xuyên tạc ác ý, thiếu cơ sở. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã công khai minh bạch lộ trình, mục tiêu và các bước thực hiện, nhận được sự đồng thuận rộng rãi từ nhân dân.
Thứ hai, Trần Đông A nhấn mạnh vào các rủi ro triển khai cuộc cách mạng này như việc chậm trễ, bất ổn trong quá trình sắp xếp bộ máy, đồng thời cho rằng điều này có thể khiến Việt Nam “mất điểm” trong mắt cộng đồng quốc tế. Ông ta trích dẫn một chiều các ý kiến chuyên gia nước ngoài Leif Schneider để phóng đại rủi ro ngắn hạn.
Thực tiễn, trong bất kỳ cuộc cải cách lớn nào, khó khăn ban đầu là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, những thách thức này đã được Đảng và Nhà nước lường trước. Hơn nữa, các biện pháp cụ thể để xử lý rủi ro đã được chuẩn bị, chẳng hạn như cơ chế hỗ trợ cán bộ bị ảnh hưởng, khuyến khích đổi mới và sáng tạo. Ngay cả ý kiến của ông Leif Schneider (được Trần Đông A trích dẫn) cũng khẳng định rằng về dài hạn, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến thân thiện hơn với nhà đầu tư nếu cải cách được thực hiện hiệu quả. Đây là yếu tố mà ông Trần Đông A cố tình lờ đi, chỉ trích dẫn ý kiến lo ngại một chiều của ông Leif Schneider
Thứ ba, bài viết cho rằng chiến dịch chống tham nhũng khiến cán bộ “không muốn làm việc”, gây cản trở cho cuộc cải cách. Tác giả cố tình gắn chiến dịch chống tham nhũng với sự bất ổn trong hệ thống chính trị.
Thực tế, thành quả chống tham nhũng là không thể phủ nhận. Chiến dịch chống tham nhũng đã nâng cao niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Việc Việt Nam cải thiện đáng kể trong Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (từ vị trí 113 lên 83) là minh chứng rõ ràng cho sự thành công này. Chiến dịch chống tham nhũng cũng tác động tích cực đến cải cách, thay vì làm cán bộ “không muốn làm việc”, chiến dịch này đã tạo áp lực tích cực, buộc đội ngũ cán bộ phải làm việc minh bạch, trách nhiệm hơn. Điều này tạo nền tảng vững chắc để cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy diễn ra thuận lợi hơn.
Thứ tư, Trần Đông A cho rằng các nhóm lợi ích sẽ là lực cản lớn, dẫn đến sự chậm trễ hoặc thất bại của cải cách. Ông ta cũng cho rằng sự phản kháng này xuất phát từ tâm lý bất mãn và mất niềm tin vào tiến trình cải cách.
Thực tế, phản kháng là thách thức đã được lường trước. Đúng là các nhóm lợi ích sẽ phản kháng khi quyền lợi bị đụng chạm, nhưng Đảng và Nhà nước đã có các biện pháp quyết liệt để xử lý, bao gồm việc tăng cường minh bạch, công khai lộ trình và kết quả cải cách. Hơn nữa, niềm tin của nhân dân là yếu tố quyết định. Bất chấp các luận điệu xuyên tạc, người dân vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào sự thành công của cuộc cải cách. Đây là động lực mạnh mẽ để vượt qua mọi rào cản từ các nhóm lợi ích.
Thứ năm, Trần Đông A cố tình xuyên tạc, thiếu khách quan khi phản ánh sự đánh giá của quốc tế và cộng đồng. Bài viết cho rằng cộng đồng quốc tế có cái nhìn bi quan về cuộc cải cách, đồng thời nhấn mạnh rằng cải cách có thể làm “mất điểm” trong mắt nhà đầu tư. Bài viết chỉ trích dẫn một số ý kiến tiêu cực và bỏ qua nhiều đánh giá tích cực từ các tổ chức quốc tế, như sự ghi nhận của Ngân hàng Thế giới và các chuyên gia kinh tế về nỗ lực cải cách của Việt Nam. Việc cải cách bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả hơn sẽ nâng cao năng lực quản trị và tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn, điều này đã được các chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư quốc tế khẳng định.
Các luận điệu xuyên tạc của Trần Đông A trong bài viết trên VOA về cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đều thiếu khách quan, mang tính suy diễn chủ quan và cố tình bóp méo thực tế. Trái lại, cuộc cách mạng này là bước đi chiến lược, nhận được sự ủng hộ của nhân dân và sự ghi nhận tích cực từ quốc tế. Những nỗ lực của Đảng, Nhà nước và TBT Tô Lâm trong việc tinh gọn bộ máy là minh chứng cho quyết tâm xây dựng một hệ thống chính trị hiện đại, minh bạch và hiệu quả hơn trong kỷ nguyên mới.