Việc triển khai Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận không chỉ giúp bảo đảm an ninh năng lượng mà còn hướng tới xuất khẩu năng lượng sạch, thúc đẩy phát triển mạnh nền công nghệ, khoa học cao, đặc biệt là khoa học công nghệ nguyên tử, kéo theo cả nền công nghiệp, nguồn nhân lực cao.
Thông tin đến các cơ quan báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ được Chính phủ tổ chức vào chiều 7/12, đồng chí Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết: Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Quốc hội thông qua. Bộ Công thương đã nghiên cứu, rà soát, báo cáo Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền để triển khai. Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành có liên quan và Bộ Công thương chủ trì thực hiện.
Để phục vụ cho việc xây dựng dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Quốc hội đã hoàn thiện thể chế pháp luật, hành lang pháp lý có liên quan như sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử với những nội dung có liên quan đến phát triển điện hạt nhân. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, hiện chúng ta đã có đầy đủ cơ sở pháp lý cũng như các vấn đề khách quan khác như đầu tư, xây dựng, môi trường…để xây dựng nhà máy, phát triển điện hạt nhân.
Bộ Công thương đã tham mưu với Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, một đồng chí Phó Thủ tướng là Phó Trưởng ban và thành viên là bộ trưởng các bộ. Tổ Công tác triển khai theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, có sự tham gia của lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học để phát triển điện hạt nhân.
Bộ Công thương sớm trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những nội dung có liên quan đến việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền lựa chọn chủ đầu tư trong quá trình triển khai, bởi đây là chủ thể rất đặc biệt khi liên quan đến toàn bộ quá trình xây dựng, vận hành, sử dụng Nhà máy điện hạt nhân sau này.
Đối với địa phương, cụ thể là tỉnh Ninh Thuận, Bộ Công thương đề nghị cần sớm nghiên cứu có mặt bằng sạch, tạo đồng thuận của người dân địa phương để có điều kiện thuận lợi nhất để triển khai dự án Nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân hiện đang nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân Ninh Thuận cũng như nhân dân trên cả nước.
Đề cập đến một số thách thức trong quá trình xây dựng Nhà máy điện hạt nhân, đại diện Bộ Công thương cũng cho biết, khoa học kỹ thuật trên thế giới liên tục thay đổi, phát triển và chúng ta hoàn toàn tự tin để triển khai những công nghệ mới nhất trong việc xây dựng hiệu quả Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Mức đầu tư dự án phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có công nghệ.
Đánh giá về những lợi ích trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và triển khai vận hành Nhà máy điện hạt nhân, Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định: Lợi ích lớn nhất đó là tạo nguồn năng lượng nền, sạch, đáp ứng tiêu chuẩn kép trong xu thế phát triển xanh, năng lượng tái tạo của khu vực và thế giới, đảm bảo lợi ích liên quan đến an ninh năng lượng; có nguồn năng lượng an toàn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội không chỉ với tỉnh Ninh Thuận mà còn toàn quốc và trong tương lai hướng tới xuất khẩu, tạo động lực có nền công nghệ, khoa học cao, đặc biệt là khoa học công nghệ nguyên tử, kéo theo cả nền công nghiệp, nguồn nhân lực cao.
Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận được quy hoạch với 4 tổ máy với công suất mỗi tổ máy 1.000-1.200MW; chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn lắp đặt 2 tổ máy, tổng diện tích chiếm đất của dự án (trên đất liền) là 443,11ha.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Ninh Thuận, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận có tổng diện tích Quy hoạch xây dựng nhà máy là 1.642,22 ha, ảnh hưởng, tác động đến gần 4.000 người/1.100 hộ. Thực hiện dừng chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã làm thay đổi các kịch bản tăng trưởng và phát triển của tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội và các công trình phúc lợi công cộng ở 2 xã Phước Dinh và xã Vĩnh Hải, vùng lân cận bị xuống cấp do không được đầu tư chờ bàn giao chuyển đi nơi ở mới. Nhân dân trong vùng dự án gặp nhiều khó khăn, trải qua thời gian dài chờ đợi, mong mỏi sớm được về nơi ở mới, ổn định đời sống – sản xuất.
Sau khi có chủ trương tái khởi động Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, tỉnh đã tuyên truyền đến nhân dân hiểu rõ hơn và đông đảo người dân ủng hộ, đồng thuận cao với chủ trương của Nhà nước.
Việc phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ giúp đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP26. Bên cạnh đó, làm dự án điện hạt nhân nói trên còn là cơ hội để nước ta phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu, có thể học hỏi và làm chủ công nghệ hạt nhân của thế giới sau này.